Kể từ khi Trái Đất đối diện với vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng chủ yếu vì lượng rác, khí thải và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của con người thì khái niệm thời trang chậm bắt đầu hình thành. Bởi vì ngành dệt may – thời trang chính là một trong những nguyên nhân gây ra thực trạng này. Giờ thì hãy cùng Faslink tìm hiểu xu hướng thời trang bền vững sẽ mang lại giá trị nào nhé!
Nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng thực chất cơ bản thời trang chậm chính là người tiêu dùng cần phải suy nghĩ kỹ trước khi mua một sản phẩm quần áo cho bản thân hay gia đình. Thay vì bạn chỉ cố gắng làm sao để mua được những mẫu quần áo bắt kịp xu hướng mà không suy nghĩ liệu mình có thật sự cần chúng, thì bạn hãy đặt câu hỏi lớn, bạn sẽ mặc được chiếc quần, cái áo đó bao nhiêu lần trong tương lai.
Thời trang chậm tập trung vào tính bền vững thân thiện với môi trường bằng cách giảm thiểu sử dụng các sản phẩm thời trang nhanh, tái chế từ những nguyên liệu hoặc rác thải gây ô nhiễm môi trường và tái sử dụng quần áo nhằm hạn chế lượng chất thải trên Trái Đất.
Các sản phẩm thời trang chậm hay còn gọi là thời trang bền vững tập trung tạo ra những mẫu quần áo có chất lượng cao, thân thiện với sức khỏe, làn da của người tiêu dùng và đặc biệt góp phần bảo vệ môi trường vô cùng hiệu quả. Ngoài ra giá trị đặc biệt mà thời trang chậm mang lại đó chính là: Hạn chế vấn nạn ngược đãi động vật, đồng thời hướng nhiều phúc lợi cho người sản xuất nguyên liệu dệt may và công nhân làm việc trong ngành công nghiệp này.
Xu hướng thời trang chậm ra đời và hình thành từ năm 2007 bởi một nhà hoạt động, nhà văn, nhà thiết kế người Anh – Kate Fletcher. Người này đã đưa ra khái niệm này và có những động thái lên tiếng về mặt tối của ngành thời trang nhanh đối với môi trường. Tuy nhiên, thời điểm bấy giờ không mấy ai mặn mà hay quá để tâm tới trào lưu thời trang bền vững.
Cho đến năm 2013, một thảm kịch đã xảy ra tại nhà máy dệt ở Bangladesh, khi họ phớt lờ bỏ qua các biện pháp an toàn, khiến hàng nghìn công nhân làm việc nơi đây bị thương vong. Sự kiện này như màn cảnh tỉnh đối với xã hội và cần có cái nhìn đánh giá khách quan chuẩn xác hơn về ngành thời trang nhanh.
Thời trang chậm đóng vai trò hết sức quan trọng bởi vì vừa giúp bảo vệ môi trường, lại vừa tạo điều kiện làm việc tốt, an toàn nhiều phúc lợi cho những người công tác trong ngành dệt may. Không những thế, xu hướng thời trang này còn hướng đến sứ mệnh tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có tính đa dụng sử dụng được trong thời gian dài.
Nếu bạn là người thường xuyên quan tâm hay đích thân tham gia các hoạt động bảo vệ động thực vật, môi trường thì sẽ hiểu được mặt trái của ngành thời trang nhanh, đã đối xử không mấy thân thiện với những loài động vật được nuôi để lấy lông. Không những thế, người nông dân trồng bông, sản xuất lụa tơ tằm cũng thường bị ép giá hoặc bắt buộc phải nhanh chóng tạo ra sản phẩm cung ứng kịp thời. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ khiến chất lượng ngành dệt may ngày càng đi xuống. Trong khi thời trang chậm lại làm điều ngược lại.
Trái lại với thời trang nhanh chỉ tập trung tạo ra nhiều sản phẩm bắt kịp xu hướng, các BST được sản xuất ra liên tục theo quỹ và năm. Khiến một lượng lớn quần áo bị người mặc vứt bỏ vì cho rằng chúng đã lỗi mốt. Trong khi thời trang chậm chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng cao, kiểu dáng đơn giản nhưng lại mang đậm phong cách riêng của từng thương hiệu. Từ đó giúp người mặc không lo bị lỗi mốt hay phải suy nghĩ mặc gì mỗi ngày.
Có 3 lý do giúp thời trang chậm góp phần rất lớn đối với việc bảo vệ môi trường đó chính là: Tạo thói quen giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm thời trang, chỉ nên mua những trang phục cần thiết nhất với số lượng vừa đủ; tái chế các nguyên liệu hữu cơ hoặc rác thải phế liệu để tạo thành vải may quần áo; tái sử dụng quần áo cũ thay vì vứt bỏ chúng.
Ngoài ra, điều đặc biệt mà chỉ thời trang chậm mới làm được đó chính là giảm thiểu tiêu thụ, khai thác tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất. Bạn có biết, để tạo ra được những sợi vải đòi hỏi cần phải dùng bao nhiêu điện và nước hay không? Thực tế đó là một con số rất lớn, không những thế trong quá trình sản xuất chất liệu dệt may các nhà máy còn tạo ra nhiều chất thải ra ngoài môi trường, điều này không chỉ vừa làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên mà còn khiến hệ sinh thái bị ô nhiễm, mất cân bằng. Thời trang chậm ra đời nhằm giải quyết tất thảy những vấn đề nan giải, cấp bách này.
Điều mà bất kỳ ai cũng phải công nhận đó chính là giá thành sản phẩm thời trang chậm vô cùng đắt đỏ, cao hơn rất nhiều so với quần áo từ những thương hiệu thời trang nhanh. Câu nói “tiền nào của nấy” khá ứng nghiệp với trường hợp này.
Bởi vì các sản phẩm của thời trang chậm đều hướng đến chất lượng, độ bền cao nhờ sử dụng nguyên liệu hữu cơ hoặc tái chế thân thiện với môi trường. Trong khi thời trang nhanh chỉ tạo ra quần áo đẹp theo xu hướng, thường sử dụng các hóa chất nhuộm vải độc hại, chất lượng vải có tuổi thọ ngắn nếu như không nói là chúng khá tệ, dễ bị giãn hoặc hư hỏng chỉ sau vài lần mặc. Từ đó, mọi người cũng đã hiểu phần nào vì sao giá thành sản phẩm lại khác nhau.
Hy vọng rằng, qua bài viết này các bạn sẽ cảm nhận được những thông điệp mà Faslink gửi gắm. Chúng ta cần lên tiếng và hành động để bảo vệ môi trường bằng cách thay đổi phong cách, lối sống vừa đủ, chuyển qua sử dụng các sản phẩm thời trang chậm. Đây chính là một trong những cách giúp bạn có được hạnh phúc thật sự, bền vững.