Trong ngành may mặc thời trang, cái tên Hai Ve có lẽ không ai là không ngưỡng mộ. Tuy nhiên, ít có ai biết được Campuchia mới là nơi gắn bó với ông từ thuở ấu thơ. Đã từng là một nhân viên bưng bê cà phê, chú bé Hai Ve thời ấy đã không ngừng tìm hiểu về nghề may. Cũng nhờ vậy mà hôm nay, Faslink cùng bạn mới có cơ hội tìm hiểu về câu chuyện nghề của một con người đặc biệt. Nghệ nhân may mặc cao cấp – Hai Ve.
Mặc dù cả quê nội và quê ngoại đều ở Miền Nam Việt Nam, tuy nhiên chú bé Võ Văn Ve lại được sinh ra trên mảnh đất Campuchia từ năm 1939. Từ thuở 12, Ve được ba má cho đến nhà của một người dượng để phục vụ bưng bê cà phê. Với tính cách hoạt bát, nhanh nhẹn, chú bé Hai Ve luôn tìm tòi, học hỏi. Như là một cái duyên từ trước, ngành may mặc đã có sức hút với chú bé nhanh nhảu này. Ve xin theo học may mà may mắn là tài năng của cậu được chủ tiệm may công nhận.
Làm nghề ở xứ người, cậu được nhiều người ưu ái vì đồ đẹp thì ở đâu người ta cũng chuộng. Theo nghề ở Campuchia được một thời gian thì tình hình chính trị Campuchia biến động, Hai Ve lại trở về cố hương. May mắn mỉm cười khi anh tìm được việc làm và sau đó lại nhanh chóng mở được cửa hiệu may mặc riêng tại Sài Gòn. Anh mạnh về mảng may vest và thu hút được sự chú ý của mọi người cũng từ đó. Anh tiếp xúc và may đồ cho những người có tiếng tăm trong xã hội, những ngôi sao. Đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, hay những vị cấp cao trong chính phủ đều tin tưởng bàn tay vàng của anh và tìm anh để may đồ.
Vì vậy, cái tên Hai Ve lại ngày càng nổi tiếng trong giới may mặc cao cấp nói riêng và cũng là cái tên được chú ý như một hiện tượng của Sài Gòn ngày đó, thậm chí trong bức thư mà ông Nguyễn Văn Minh – Cựu đại sứ chính quyền chế độ cũ tại Philippines gửi cho ông vào năm 1974 có viết: “Anh Hai thân mến… Mấy bộ đồ của anh may, tôi mặc ai cũng lé cả. Kể cả thợ gian hàng Christian Dior và Pierre Cardin ở Pháp cũng phải ngán tài của anh luôn…”, thế mới biết tài năng của ông hai khiếp tới mức nào!
>>> Xem thêm: Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về nguồn gốc hình thành chiếc áo đồng phục
Như đã đề cập ở trước đó, với cá tính mạnh mẽ, việc phục vụ quán cà phê lúc đó mặc dù mang lại cho Ve nhiều tiền nhưng vẫn không giữ chân được anh. Khi thấy hình ảnh người thợ may ngồi trong mát may đồ cho khách, Hai Ve đã quyết định dấn thân vào nghề. Với tinh thần cầu tiến, cái tên của ông đã tiến xa trong ngành may mặc cao cấp, để giờ đây người ta vẫn nhớ đến ông như một huyền thoại. Ông Hai Ve đến với nghề may với những động lực đơn giản nhất, nhưng ý chí và tính cách của ông mới là động lực khiến ông đi tới cùng sự nghiệp của mình và tỏa sáng. Với tuổi gần 80, có lẽ ông Hai Ve là lứa nghệ nhân cao cấp hiếm hoi còn sót lại từ một thời Sài Gòn xưa.
Theo như Faslink tìm hiểu, từ những năm 80, những “dân chơi” Sài Gòn không ai là không muốn sở hữu chiếc nón Hai Ve. Tuy vậy, sản xuất nón chỉ là công việc phụ giúp ông kiếm thêm thu nhập, công việc chính của ông vẫn là may đồ vest, quần tây và áo chemise. Khi từ Campuchia trở về Sài Gòn và mở tiệm may riêng, bàn tay vàng của ông đã may cho không biết bao nhiêu vị khách thượng lưu. Những khách tìm đến ông toàn là những người có tên tuổi, địa vị xã hội nhưng ai cũng tin tưởng ông vì những bộ trang phục sang trọng, đẹp đẽ. Phải chăng vì vậy mà tên tuổi của ông trong giới thời trang ngày đó được chú ý nhiều đến thế?
Được dịp trò chuyện với ông thì mới có thể thấy được ông tâm huyết với nghề như thế nào. Ông tường tận đến từng loại vải, chú ý kỹ lưỡng đến từng kiểu quần, quan tâm đến từng mẫu vest làm sao hợp thời trang nhất. Ông cũng vô cùng cẩn thận với chuẩn mực của quần tây và áo chemise. Nhìn ông mân mê từng tấm vải thì ta mới thấu hiểu về niềm yêu thích của ông với nghề nhiều như thế nào. Ông may không chỉ vì mưu sinh mà còn là vì đam mê, vì tâm huyết cả một đời đã gắn bó với nghề. Không quá ngoa khi nói nghề may đã đưa cái tên Hai Ve từ một chú bé bồi bàn trở thành một Nghệ nhân may mặc cao cấp đáng ngưỡng mộ.
>>> Xem thêm: Khẳng định sứ mệnh thương hiệu nhờ đồng phục cao cấp
Khi nhắc đến Hai Ve, người ta sẽ nhắc đến một “huyền thoại” của nghề may mặc cao cấp tại Sài Gòn một thời. Mặc dù nghề may hiện nay đã rất phát triển, bao nhiêu nhà máy may mặc lớn nhỏ ra đời, tuy nhiên cái những giá trị của ông Hai Ve để lại cho nghề mãi còn đó và sẽ luôn được trân trọng.
Theo Faslink