Ở những cánh đồng dứa ngập nắng trải dài từ Bắc vào Nam, người nông dân Việt Nam từ lâu đã quen với việc thu hoạch quả rồi bỏ lại hàng tấn lá dứa. Những chiếc lá – tưởng như chỉ còn cách để phơi khô và đốt bỏ – từng là phần phụ phẩm vô giá trị trong chuỗi canh tác. Nhưng chính những điều tưởng chừng bị lãng quên ấy lại trở thành điểm bắt đầu cho một cuộc chuyển mình: từ ruộng dứa đến chất liệu bản địa – hành trình của vải sợi dứa PINALINA™.

Lá dứa không còn là phế phẩm
Người nông dân trước đây chỉ thu hoạch được một lần duy nhất từ quả dứa mỗi mùa vụ. Phần lớn thu nhập phụ thuộc vào giá trái, trong khi lá – chiếm khối lượng lớn – thường bị bỏ lại. Hôm nay, nhờ vào sự phát triển của PINALINA™, lá dứa đã trở thành một tài nguyên mới, giúp người nông dân “thu hoạch hai lần” từ cùng một luống đất.
Mỗi tấn sợi dứa được sản xuất sử dụng đến 60 tấn lá dứa tươi – tức là 60 tấn phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng thay vì bị đốt bỏ. Điều này không chỉ giúp giảm hơn 17 tấn CO₂ thải ra môi trường mà còn mở ra một hướng đi mới cho kinh tế nông thôn: biến thứ bỏ đi thành nguồn thu nhập bền vững.
Từ Nghệ An đến khắp Việt Nam, chiếc lá dứa tưởng chừng vô nghĩa đã được “tái sinh”
“Ba năm trở lại đây thì bên công ty có thu lá dứa để làm sợi. Thì thêm thu nhập cho chúng tôi, vừa bán được quả, vừa bán được lá lại vừa bán được chồi, cho nên là người nông dân cũng quá phấn khởi.”
— Chị Lê Thị Nhung, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An
Chia sẻ của chị Nhung mộc mạc nhưng đong đầy niềm vui. Trong một mô hình canh tác mà trước đây người nông dân chỉ trông vào mỗi quả dứa, thì việc có thể bán thêm lá, thêm chồi chính là mở ra một “mùa thu hoạch thứ hai” – mùa của sự ghi nhận, của giá trị mới được tạo ra từ chính công việc quen thuộc. Không còn cảnh đốt bỏ phụ phẩm, không còn cảnh công sức bỏ đi theo khói, mà thay vào đó là một tương lai nhiều hy vọng hơn, bắt đầu từ chính những điều giản dị nhất.
“Trước đi làm công thì chỉ thu hoạch quả hoặc chồi, thì từ khi mà công ty thu mua lá dứa nó đều việc. Trước kia là đến mùa là mới có quả là người ta thu hoạch chỉ một lần, còn lá dứa là thu hoạch nhiều lần.”
— Chị Nguyễn Thị Lập, xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An
Từ lời kể của chị Lập, có thể thấy rõ tác động của mô hình thu mua lá dứa không chỉ dừng lại ở tăng thu nhập, mà còn giúp tạo việc làm ổn định quanh năm cho lao động nông thôn. Thay vì “làm thời vụ” theo mùa thu hoạch quả như trước, giờ đây người dân có thể chăm tỉa, thu gom lá định kỳ – một công việc đều đặn, liên tục, giúp người lao động không bị lệ thuộc vào mùa vụ và có thêm động lực gắn bó lâu dài với nghề nông. Mỗi phiến lá dứa giờ đây không chỉ mang lại giá trị cho ngành dệt, mà còn mang lại niềm tin sống chắc chắn hơn cho hàng ngàn gia đình nông dân.
PINALINA™ – Chất Liệu Từ Đất Mẹ, Kể Câu Chuyện Người Việt
PINALINA™ là chất liệu vải sợi tự nhiên được chiết xuất từ lá dứa bằng công nghệ cơ học không hóa chất. Quy trình này giúp giảm tới 17 tấn CO₂ trên mỗi tấn xơ dứa thô sản xuất, so với việc đốt bỏ. Sản phẩm vải sở hữu nhiều ưu điểm: nhẹ, thoáng khí, mềm như lanh, phân hủy sinh học hoàn toàn, và đặc biệt là mang đậm tinh thần bản địa – câu chuyện từ chính những người nông dân Việt Nam.

Giấc Mơ Lớn Từ Những Điều Nhỏ Bé
“Lá dứa ở Việt Nam thì Bắc – Trung – Nam đều có, diện tích dứa thì rất chi là nhiều.
Mong muốn của mình là đem cái sức trẻ, dù là nhỏ để đồng hành cùng bà con nông dân, phát triển kinh tế, tạo ra giá trị không chỉ thu hoạch từ quả nữa mà còn lá, tạo công ăn việc làm cho nhiều người hơn.
Mọi người có kinh tế rồi sống hạnh phúc hơn trên cánh đồng.”
— Anh Nguyễn Văn Hạnh, GĐ HTX Hạnh Phúc – Đồng sáng lập ECOSOI
PINALINA™ không chỉ là sáng tạo vật liệu – mà là một hành trình kết nối giữa người trồng – nhà phát triển – và nhà thiết kế, từ cánh đồng đến sàn diễn thời trang. Đó là biểu tượng của thời trang nhân văn, có trách nhiệm, và bắt nguồn từ Việt Nam.
Cơ hội mới cho nông thôn Việt Nam
Cùng với ECOSOI – đơn vị tiên phong tách sợi từ lá dứa không hóa chất, Faslink đã thiết kế một chuỗi cung ứng mở (Open Innovation) nơi mỗi mắt xích chuyên sâu đều mang lại giá trị bền vững. Người nông dân không còn là điểm khởi đầu bị động, mà trở thành người giữ chìa khóa nguyên liệu bản địa – đồng hành cùng ngành thời trang hiện đại từ bước đầu tiên.

Việc tận dụng lá dứa để sản xuất vải cũng đồng nghĩa với giảm thiểu việc sử dụng đất mới, giảm áp lực canh tác, và tạo ra việc làm phi nông nghiệp (sơ chế, gom lá, phơi, đánh xơ…) ngay tại địa phương.
Từ đồng ruộng đến sàn diễn – nhưng không bỏ lại ai phía sau
Vải sợi dứa PINALINA™ không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một loại vải mới. Mỗi mét vải là kết tinh của công nghệ, thiên nhiên và bàn tay cần mẫn của người nông dân. Khi chất liệu ấy được giới thiệu tại các triển lãm như Mặc “Thơm”, người ta không chỉ chạm tay vào một sản phẩm thời trang, mà còn chạm vào giấc mơ tái thiết giá trị nông nghiệp theo hướng tuần hoàn và nhân bản.
PINALINA™ không phải là một khái niệm thời trang. PINALINA™ là một cách sống – nơi mỗi chiếc lá đều có thể trở thành lời hồi đáp tử tế cho tương lai của người nông dân, của ngành dệt may, và của hành tinh này.